Quá trình Thiết kế mẫu Holy Family

Thiên Thành

Thành viên VOG
Bài viết này là một bài viết mang tính cá nhân của Tôi, để chia sẻ với các bạn về quá trình từ việc nắm bắt ý tưởng đến việc hoàn thiện 1 tác phẩm Origami.

Đầu tiên – chúng ta sẽ bàn về các giai đoạn trong thiết kế Origami. Bản thân Tôi sẽ chia ra 1 số giai đoạn chính như sau:

  • Ý tưởng : là giai đoạn quan trọng nhất.
  • Phác thảo: xác định cấu trúc của mẫu.
  • Gấp nháp – chỉnh sửa: gấp base từ phác thảo và điều chỉnh.
  • Gấp hoàn thiện: gấp và nắn mẫu chính thức.
  • Vẽ hướng dẫn: CP, Diagram.
Quá trình trên áp dụng trong hầu hết các thiết kế Origami của Tôi. Trong bài viết này Tôi sẽ diễn giải cụ thể hơn trên mẫu Holy Family – Gia Đình Thánh Gia.

  • Ý tưởng:
Vậy đầu tiên, chúng ta sẽ nói về giai đoạn 1: Ý tưởng.

Trong hầu hết mọi lĩnh vực, hầu như chúng ta chỉ được học, được đào tạo về kỹ năng thực hành, các thao tác, cách phân tích đúng sai… của lĩnh vực đó, nhưng sẽ không có ai có thể dạy được cho chúng ta “Làm thế nào để có được ý tưởng?”. Ý tưởng là 1 cái gì đó bất chợt đến, mang tính cá nhân và không theo 1 nguyên tắc rập khuôn nào. Nói nôm na thì các bạn hoàn toàn có thể làm mọi thứ các bạn muốn – tuy nhiên phải tuân thủ 1 số nguyên tắc nhất định (ví dụ Origami thì không nên cắt). Muốn sáng tạo được, thì cần phải có đủ kĩ năng. Đối với gấp giấy, muốn sáng tạo được 1 mẫu gấp thì trước đó chúng ta đã phải gấp hàng trăm mẫu của tác giả khác, bắt đầu từ gấp theo Youtube, theo Diagram, rồi chiến CP. Trong quá trình gấp mẫu của tác giả khác, chúng ta cũng học hỏi được nhiều kĩ thuật khác như hồ giấy, các kĩ thuật gấp, kĩ thuật tạo hình… Vậy có phải chúng ta gấp mẫu của mình thì mới gọi là sáng tạo? Không, chúng ta không sáng tác, nhưng không có nghĩa là không được phép sáng tạo. Cùng là 1 mẫu Ancient Dragon (của Satoshi Kamiya), nhưng mỗi người tạo mỗi kiểu dáng, hình thành mỗi phong cách khác nhau, nếu chỉ là sự bắt chước thì sẽ chỉ tạo ra 1 tác phẩm vô hồn, cần phải “thổi hồn vào giấy” – chà, khó đấy. Vậy nên trước khi muốn bắt đầu sáng tác, các bạn nên tự trang bị cho mình 1 số kiến thức và kĩ năng nhất định (trong bất kì lĩnh vực nào), đều đó sẽ giúp các bạn tiến xa hơn.

Vậy ý tưởng của Tôi đến như thế nào? Có 2 hướng: hoặc là Tôi chủ ý gấp 1 vật mẫu có sẵn (ví dụ gấp con cá chép – là 1 vật thể thực), hoặc là vô tình Tôi ngẫu hứng gấp được 1 base nào đấy. Trường hợp 1 có thể làm được, các bạn nên tham khảo cuốn sách Origami Design Secrets của Robert J Lang. Trong trường hợp thứ 2, thoạt trông có vẻ như là gấp đại hên xui (có thể 1 số mẫu đơn giản được hình thành như vậy), nhưng thực sự để làm được trường hợp này thì các bạn phải làm được trường hợp 1, hehe. Điểm mấu chốt ở đây là người thiết kế phải có con mắt nhìn ra được base này làm thành mẫu gì (không dễ như chúng ta nghĩ – vậy nên mới gọi là ngẫu hứng). Hầu hết chỉ vô tình gấp được 1 bộ phận nào đấy, dựa vào linh cảm bạn sẽ thấy bộ phận này giống với vật mẫu hoặc hình tượng nào, rồi từ đó phát triển tiếp base theo hướng vật mẫu đó.

Vậy mẫu Holy Family Tôi đã ngẫu hứng được gì? Chà, đầu tiên Tôi xuất phát từ 1 base Thủy Lôi cơ bản (Tôi thường hay gấp tự do từ 1 base cơ bản để tìm ý tưởng – Vậy thì chúng ta cần phải có kiến thức về các loại base cơ bản đúng không? kaka). Tôi gấp theo cảm tính (không suy nghĩ), rồi chợt nhận ra 1 hình hài em bé và người phụ nữ (Các bạn có thể thấy được chứ?).
8e81cf379a05505b0914.jpg

Oh yeah, vậy triển tiếp theo hình tượng người mẹ và đứa bé vì Tôi muốn thiết kế theo hình tượng này (và Tôi có cảm giác về hình tượng này mạnh mẽ). Vậy nên “ý tưởng” này chỉ mang tính cá nhân và nhất thời, không có qui tắc nào về việc liên tưởng các hình ảnh.
  • Phác thảo
Sau khi đã chọn được ý tưởng muốn làm, Tôi tiếp đến sẽ phát thảo cấu trúc mẫu.

Để phát thảo được, chúng ta sẽ xem xét về CP của mẫu và hình mẫu hoàn thiện mong muốn (vì base ngẫu hứng kia mới chỉ thể hiện có 1 phần hình ảnh người mẹ và đứa bé thôi).

Vậy đầu tiên, Tôi sẽ xem các phần giấy còn lại (2 nhánh N1, N2) sẽ dùng để làm gì. Hãy xem CP của base này và vị trí của các phần để dễ mường tượng (để đơn giản Tôi chỉ phác ra bố cục chính).
1640291388640.png
Tôi phát thảo 1 số hình tượng như sau:
a. Tạo hình mái tóc người phụ nữ, uốn lượn như là 1 dòng nước, vì “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” mà.
1640291467997.png
b. Cũng tạo hình mái tóc, nhưng chỉ thực hiện trên 1 nhánh. Nhánh còn lại tạo hình đôi cánh, ngụ ý hình ảnh Người Mẹ thiên thần.
1640291492916.png
c. Tạo thêm người bố.
1640291532199.png
Tôi chọn sẽ làm thêm người bố (vì trước đó Tôi đã có thiết kế mẫu Ave Maria nên muốn mẫu này khác hình tượng mẹ bồng con). Và có 1 bức tranh Holy Family rất nổi tiếng, nên Tôi muốn gấp theo nguyên mẫu này.
1640291568516.png
Nhìn lại vào base gấp, chỉ đang ở mức độ trừu tượng. Nếu các bạn theo phong cách gấp trừu tượng, có thể giữ nguyên cấu trúc này và gấp chính thức. Tuy nhiên Tôi cảm thấy như vậy vẫn chưa thỏa mãn, nên sẽ thêm 1 số chi tiết vào mẫu: ngón tay, khuôn mặt.
Quay trở lại với CP hiện tại, với bố cục như này, chúng ta sẽ sử dụng kỹ thuật Ghép CP để thêm các ngón tay vào cho Bố và Mẹ (Kỹ thuật này nằm ở chương 6 cuốn Secrets). Vậy thêm các dải giấy vào đâu để hợp lý?

Dựa vào cấu trúc, Tôi sẽ thêm các dải giấy ở vị trí như hình để vừa tạo ra các ngón tay cho Bố và Mẹ, vừa tạo thêm được khuôn mặt cho Bố, để ý thêm Bố có cầm 1 cành hoa, vậy phần giấy tại đỉnh sẽ dùng để tạo bông hoa. CP khi đó sẽ có dạng như sau (1 lưu ý quan trọng là các bạn chọn tỉ lệ phần giấy thêm vào sao cho hợp lý, ở đây Tôi chọn là 2/7, chúng ta có thể điều chỉnh nếu tỉ lệ chưa hợp lý ở bước gấp nháp) :
1640291642445.png
Hoàn thiện bước phát thảo cấu trúc, giờ thì gấp nháp thôi.
  • Gấp nháp – Chỉnh sửa
Dựa vào cấu trúc CP trên thì Tôi gấp ra 1 mẫu nháp như này (các bạn nên gấp nhiều mẫu có sẵn để có nhiều kinh nghiệm, sẽ giúp ích rất nhiều trong việc thiết kế).
1640291731094.png
Dựa vào mẫu gấp nháp này, chúng ta sẽ rút ra 1 số nhận xét sau:
  • Các phần giấy thêm vào đã hoàn thành đúng ý đồ.
  • Mẹ chưa có khuôn mặt.
  • HÌnh ảnh Con không còn giống ý tưởng ban đầu mà nắn giống hình tượng gốc hơn.
  • Vậy chỉnh sửa CP 1 lần nữa, thêm dải giấy để làm khuôn mặt cho Mẹ.
Sau đó gấp nháp lần nữa và chỉnh sửa tiếp cho đến khi thấy thích. CP cuối cùng có dạng như sau:
1640292524865.png
Chúng ta đã xác định và phân bố được lượng giấy phù hợp tại các vị trí. Tuy nhiên đây vẫn chỉ là “1 phần giấy nào đấy chưa có hình thù rõ”. Vậy trước khi gấp chính thức, chúng ta cần nắn nháp rời rạc từng phần chi tiết, để xem thử có nên điều chỉnh thêm CP hay không.

Sau khi đã nắn thử hết và cảm thấy đã ổn CP, chúng ta tiến hành gấp chính thức thôi.
  • Gấp hoàn thiện
Trước hết chúng ta phải lựa chọn loại giấy phù hợp với mẫu gấp. Ở đây Tôi lựa chọn giấy dó – một chất liệu giấy mà Tôi khác ưa thích. Và đây là hình hoàn thiện.
Yeah, vậy là đã hoàn thành 1 tác phẩm, bước cuối cùng chính là vẽ các tài liệu hướng dẫn.
1640292200273.png
  • Vẽ hướng dẫn
Một lưu ý quan trọng trong quá trình thiết kế là việc lưu trữ các base nháp, vì nếu bị mất đi các bản nháp này thì xem như sẽ bị thất truyền luôn mẫu.

Tôi có thói quen sẽ chụp lại từng bước khi tiến hành gấp hoàn thiện mẫu, nên sẽ luôn có sẽ photodiagram của mẫu đó. Khi cần thì sẽ dựa vào đây để vẽ CP hoàn thiện và diagram.

Vì lí do bản quyền nên Tôi sẽ chưa public CP hoàn thiện của mẫu. Các bạn thông cảm nhé.

Cảm ơn đã đọc đến hết bài!

Các bạn thấy đó, từ 1 tờ giấy có thể gấp được rất nhiều mẫu, từ trừu tượng đến chi tiết. Còn nhiều kĩ thuật phát triển mẫu từ 1 tờ vuông nữa, hi vọng sắp tới sẽ có thêm nhiều bài viết thú vị hơn nữa :D

Chúc các bạn có thêm nhiều niềm yêu thích với Origami hơn.
 

Thiên Thành

Thành viên VOG
Anh nghĩ dùng giấy dày hơn một chút có thể cho ra kết quả thú vị khác.

Hôm nay nhìn lại phần dưới cổ của người cha liên tưởng đến cây đàn hạc.
Hôm qua khoe mẫu với mấy anh em, cũng góp ý là gấp giấy dày hơn. Chắc sắp tới em sẽ thử gấp giấy khác với kích cỡ lớn hơn xem thử, hehe :D
 
Top Bottom