Máy Bay Origami

Scorpion

Bọ cạp
Thành viên VOG
Chắc hẳn bất cứ ai từ khi còn nhỏ đều đã từng một lần chơi máy bay giấy, cố gắng làm sao phi nó cao nhất, xa nhất có thể.
Mình thấy đây là một lĩnh vực hay và cộng đồng chơi máy bay giấy trên thế giới có vẻ cũng tương đối mạnh.

Tại Nhật Bản có một hiệp hội máy bay origami tên là International Origami Plane Association:
http://www.oriplane.com/
Bạn có thể tìm được một số hướng dẫn gấp máy bay origami và cách tinh chỉnh máy bay cơ bản trên trang của hiệp hội:
Họ còn hợp tác với hãng hàng không Nhật Bản Japan Airline (JAL) tổ chức các khóa học gấp máy bay và các cuộc thi máy bay origami.
Một video quay lại hoạt động cuộc thi máy bay Origami JAL 13-14/4/2019:

Đứng đầu hiệp hội này là Takuo Toda. Ông hiện giữ kỷ lục Guinness máy bay origami bay lâu nhất thế giới với thời gian 29.2 giây. Ông mở một bảo tàng máy bay giấy ở Hiroshima trưng bày và dạy gấp các mẫu máy bay của ông (http://www.oriplane.com/博物館.html).
Kênh Youtube của Takuo Toda:
Trên kênh này bạn có thể tìm được nhiều hướng dẫn máy bay, đặc biệt là mẫu đã giúp ông phá kỷ lục thế giới (mẫu Sky King và Zero Fighter).

Ken BlackBurn
Ông là người từng lập kỷ lục máy bay lâu nhất thế giới với 27.6 giây suốt từ năm 1998 đến 2009 (khi Takuo Toda lập kỷ lục mới)

John Collins
Ông là người giữ kỷ lục máy bay xa nhất thế giới từ 2012 đến 2022 với khoảng cách 69.14 mét. Không chỉ vậy, ông còn có rất nhiều mẫu máy bay độc lạ và đi khắp nơi diễn thuyết, truyền cảm hứng về máy bay giấy.
Kênh youtube của John Collins:

Red Bull Paper Wings
Cuộc thi máy bay origami nổi tiếng và quy mô nhất thế giới, được tổ chức 3 năm một lần.
Cuộc thi chia ra 3 hạng mục: bay xa nhất (Distance), bay lâu nhất (Airtime) và trình diễn hay nhất (Aerobatics).
Họ có các vòng sơ loại tại hơn 60 quốc gia. Những người vô địch của từng quốc gia sẽ đến tranh tài cho vòng chung kết thế giới tại Áo.
Tiếc là họ chưa từng tổ chức sơ loại tại Việt Nam.
Video về vòng chung kết Red Bull Paper Wings 2022:

Cộng đồng máy bay giấy tại Hàn Quốc cũng mạnh, họ còn tổ chức thi máy bay giấy hàng năm, rất đông người tham gia.
Một video về cuộc thi máy bay giấy ở Hàn Quốc:

Đầu năm 2022 một nhóm của Hàn Quốc đã phá kỷ lục Guinness máy bay giấy xa nhất thế giới, họ đạt hơn 77 mét.
Đến cuối năm 2022 thành tích này đã bị một nhóm người Mỹ xô đổ và lập kỷ lục thế giới mới 88 mét.

Nếu các bạn biết thêm những thông tin hay khác về máy bay giấy, hãy chia sẻ với chúng mình tại đây nhé.
 
Sửa lần cuối:

Scorpion

Bọ cạp
Thành viên VOG
Kỷ lục Guinnness máy bay origami bay lâu nhất thế giới

Một chiếc máy bay giấy có thể ở trên không trung được bao lâu?

Với một người bình thường thì phi máy bay giấy được hơn 10 giây đã là rất khá. Nếu máy bay của bạn bay được hơn 15 giây tức là bạn đã vượt qua kỷ lục Guinness của William Pryor năm 1975.

Hơn 20 giây thì bạn quả thật rất giỏi. Cực kỳ ít người trên thế giới có thể chạm tới mốc 25 giây. Chính vì vậy mà kỷ lục 27.6 giây của Ken Blackburn tồn tại tới 11 năm từ 1998 tới 2009.

Kỷ lục trên đã bị phá vỡ bởi Takuo Toda với thiết kế Sky King năm 2009. Ông đã đạt 27.9 giây, chỉ hơn Ken Blackburn có 0.3 giây. Khoảng chênh lệch nhỏ đó chưa làm Takuo Toda thỏa mãn. Ông đã chỉnh sửa thiết kế máy bay của mình đi đôi chút và với thiết kế mới tên Zero Fighter, thời gian bay của ông lên tới 29.2 giây, tạo ra một kỷ lục thế giới mới tồn tại từ năm 2010 đến nay. Mình từng đọc ở đâu đó ông nói rằng trong lúc tập luyện đã có những lúc ông được hơn 30 giây, thậm chí 35 giây!

Ta cần chú ý là kỷ lục sẽ chỉ được tính khi bạn phi máy bay trong không gian kín gió, để tránh trường hợp những cơn gió mạnh làm tăng/giảm thành tích của bạn. Guinness còn có một số quy định nữa ví dụ như tờ giấy phải bằng hoặc nhỏ hơn cỡ A4 và định lượng phải từ 100gsm trở xuống...

Kỷ lục 27.6 giây của Ken Blackburn:

Kỷ lục của Takuo Toda:
27.9 giây năm 2009:


29.2 giây năm 2010:
 
Sửa lần cuối:

Scorpion

Bọ cạp
Thành viên VOG
Cuộc đua tranh về thời gian bay lâu nhất nổi bật với hai đại diện chính: Ken Blackburn và Takuo Toda. Hai vị này đồng thời đại diện cho hai hướng thiết kế rất khác nhau.

Mẫu máy bay của Ken Blackburncánh hình chữ nhật, đầu máy bay rất dày và cứng, cỡ giấy A4.
Hướng dẫn gấp máy bay của Ken:
USA-World-Rekord-A4.jpg

Máy bay của Takuo Todaphần đầu nhọn hơn, cỡ giấy A5 và trông mỏng hơn của Ken.
Hướng dẫn gấp máy bay của Toda:
Takuo_Toda_Zero_Fighter.jpg

Hai mẫu này có vẻ được tác giả thiết kế để tương thích với cách phi máy bay của chính họ:
  • Cách phi của Ken dường như dựa chủ yếu vào lực ném mạnh để đưa máy bay lên cao nhất có thể. Ông cần một máy bay với phần đầu thật cứng để chịu lực, và đôi cánh rộng để lượn lâu trên không trung.
  • Đối với Toda, cách phi của ông thiên về tốc độ và sự chuẩn xác thay vì sức mạnh. Ông làm đầu máy bay nhọn hơn để nó cũng có thể bay lên rất cao. Việc giảm cỡ giấy xuống A5 giúp máy bay vững chãi hơn so với gấp từ giấy A4. Toda còn thử nghiệm nhiều loại giấy khác nhau để chọn ra một loại giấy phù hợp nhất.
Có thể thấy kỷ lục của Takuo Toda là sự kết hợp của rất nhiều yếu tố từ thiết kế, cách gấp, cách phi, loại giấy... Ông đã vượt qua rào cản về mặt thể chất và tuổi tác để tạo nên một kỷ lục mà đến giờ vẫn chưa ai phá được (Toda sinh năm 1956, tức là năm 2010 ông bước sang tuổi 54).

Như vậy để có một kết quả bay tốt thì thiết kế chưa phải là tất cả. Tùy theo các điều kiện và mục đích khác nhau mà bạn cần linh hoạt điều chỉnh các yếu tố, và mỗi một loại thiết kế sẽ có chỗ đứng của riêng nó. Ví dụ như trong một cuộc thi, tất cả mọi người đều phải sử dụng một loại giấy giống nhau do ban tổ chức cung cấp, và đó có khi không phải là loại giấy hoàn hảo dành cho thiết kế của Ken hay Toda ở trên thì sao? Hay biết đâu trong tương lai bạn nghĩ ra một kiểu phi máy bay mới và cách phi này đòi hỏi một thiết kế hoàn toàn mới để phát huy tối đa tiềm năng?

Hãy cùng xem Red Bull Paper Wings 2022, hạng mục bay lâu nhất trong video dưới đây từ 14p57 đến 17p48:
Ta có thể nhận ra hầu hết các "phi công" đều sử dụng thiết kế gần giống mẫu máy bay kỷ lục của Takuo Toda, hoặc chỉ hơi chỉnh sửa một chút. Máy bay của họ đều đạt thành tích 11-13 giây. Có số ít như Rana Muhammad Usman Saeed (Pakistan) sử dụng máy bay đầu vuông rất giống kiểu của Ken Blackburn và đạt 15-16 giây, cuối cùng vô địch hạng mục này.

Theo mình tìm hiểu thì Saeed đã sử dụng mẫu thiết kế của Shin Moo Joon (Hàn Quốc), một chiếc máy bay đầu vuông lấy cảm hứng từ thiết kế của Ken Blackburn. Xem một số video của Shin thì khi phi mẫu máy bay này ngoài trời, nó từng bay được 45-50 giây:
Tuy nhiên đó là thời gian bay ngoài trời với gió mạnh. Còn khi phi trong nhà thì vẫn chưa thấy lần nào vượt qua 28 giây.

Có lẽ cuộc chiến kéo dài thời gian trên không trung giữa hai trường phái "đầu vuông" như của Ken Blackburn và "đầu nhọn" của Takuo Toda sẽ còn tiếp diễn dài dài. Mỗi loại thiết kế đều được những người đi theo nó liên tục cải tiến, tối ưu và ngày càng đem lại kết quả đáng nể.
 
Sửa lần cuối:

Scorpion

Bọ cạp
Thành viên VOG
Kỷ lục Guinnness máy bay origami bay xa nhất thế giới

Làm thế nào để một chiếc máy bay giấy bay xa nhất có thể?
Đây cũng là một kỷ lục được rất nhiều người chơi máy bay giấy theo đuổi.

Kỷ lục Guinness đầu tiên được lập nên bởi Tony Felch năm 1979 với khoảng cách 42.7 mét. Sau này vào năm 1985 ông đã lập kỷ lục mới là 58.82 mét. Máy bay của ông có dạng thuôn dài.

Đến 2003 kỷ lục này bị phá bởi Stephen Krieger. Anh đạt 63.2 mét cũng bằng một chiếc máy bay cực kỳ nhọn và hẹp giống như một mũi giáo nhỏ:

Tưởng chừng như kỷ lục máy bay xa nhất sẽ mãi chỉ xoay quanh những chiếc "phi tiêu" thì năm 2012 John Collins đã có một bước đi cách mạng khi sử dụng một thiết kế máy bay hoàn toàn khác với đôi cánh tương đối rộng để lượn xa. Thiết kế có tên "Suzanne" của ông được cầu thủ bóng bầu dục Joe Ayoob phóng đi và đạt kỷ lục 69.1 mét.

Nhận thấy chiếc máy bay có thể bay xa hơn nữa, năm 2018 bộ đôi John Collins và Joe Ayoob đã cố gắng phá kỷ lục của chính mình tuy nhiên không thành công. Bạn có thể xem video ghi lại sự kiện hôm đó tại đây:

Tiếp nối thiết kế dạng tàu lượn của John Collins, một nhà thiết kế máy bay giấy trẻ người Malaysia tên Chee Yie Julian đã nghiên cứu một mẫu máy bay mới cũng theo dạng tàu lượn nhằm phá kỷ lục thế giới. Thành tích tốt nhất mà Chee đạt được là khoảng 64 mét:

Vì áp lực công việc và học hành anh đã không thể tiếp tục theo đuổi kỷ lục này. Tuy nhiên Shin Moo Joon (Hàn Quốc) đã quan tâm đến thiết kế của Chee và xin phép sử dụng nó để tiếp tục con đường chinh phục kỷ lục thế giới.

Shin đã điều chỉnh thiết kế của Chee đi một chút và hoàn thiện mẫu máy bay mang tên "Cheetah" sẵn sàng cho kỷ lục thế giới. Nhưng cũng chính lúc đó những người khác trong cộng đồng máy bay giấy Hàn Quốc đã bắt đầu chú ý quan sát mẫu máy bay của Shin và tìm cách tư duy ngược để suy ra cách gấp của nó. Nhận thấy điều này, Shin đã phải giữ kín cách gấp và cố gắng nhanh chóng tìm kiếm một người có khả năng phóng máy bay thật xa và ổn định để cùng mình lập kỷ lục càng sớm càng tốt.

Cuối cùng Kim Kyu Tae đã gia nhập nhóm và họ lập thành bộ ba "Shin Kim Chee", mỗi người đóng góp một phần tạo nên kỷ lục thế giới mới. Chee cung cấp bản thiết kế đầu tiên, Shin tinh chỉnh thiết kế và gấp, Kim là người phi máy bay.
Trong cả 8 lần phóng chính thức vào 16/4/2022, họ đều vượt qua kỷ lục thế giới cũ và thiết lập kỷ lục mới 77 mét:

Tưởng chừng kỷ lục này sẽ tồn tại nhiều năm nhưng không, chỉ đến ngày 2/12/2022 một nhóm bạn gồm Dillon Ruble, Nathaniel Erickson Garrett Jensen (người Mỹ) đã phá kỷ lục với thành tích khó tin: 88.31 mét.

Dillon là một trong những đấu thủ nặng ký của Red Bull Paper Wings 2022. Anh là một trong số ít người vượt được mốc 60 mét của hạng mục bay xa nhất trong cuộc thi. Tuy không gặp may trong vòng chung kết và dừng chân ở vị trí thứ 12, Dillon vẫn tin rằng máy bay của mình có thể bay xa hơn nhiều. Anh đã cùng hai người bạn cải tiến thiết kế và thực hiện mô phỏng để tìm ra góc ném tối ưu. Cuối cùng thì nỗ lực của họ sau nhiều tháng đã được đền đáp xứng đáng.

Việc Dillon lập kỷ lục mới với một mẫu máy bay dạng phi tiêu lại khởi động những tranh luận trong cộng đồng máy bay giấy rằng liệu thiết kế theo dạng phi tiêu hay tàu lượn sẽ tạo nên chiếc máy bay giấy bay xa nhất? Chúng ta hãy cùng chờ xem...
 
Sửa lần cuối:

Scorpion

Bọ cạp
Thành viên VOG
Trong cuộc đua tranh giữa những chiếc máy bay xa nhất, ta bắt gặp hai trường phái chủ đạo: Phi tiêu (Dart)Tàu lượn (Glider).

Để bay được xa thì chiếc máy bay phải được phi về phía trước với tốc độ rất cao và có đường bay càng thẳng càng tốt. Một đôi cánh rộng giúp máy bay ở lâu trên không trung nhưng sẽ khiến cho máy bay dễ bị lượn thành vòng tròn quay lại điểm xuất phát, và điều này không hề tốt cho việc lập kỷ lục bay xa. Chính vì vậy những máy bay dùng để lập kỷ lục bay xa có đôi cánh nhỏ hơn đáng kể so với máy bay dùng để lập kỷ lục về thời gian.

Có nhiều nhà thiết kế máy bay giấy đã thu hẹp cánh của chúng tới mức nhìn giống như những ngọn giáo mini, họ cũng phi chúng theo kiểu của các vận động viên ném lao. Và người ta gọi những máy bay kiểu này là máy bay dạng phi tiêu (dart).

Nhưng những mẫu máy bay nhọn theo dạng phi tiêu như thế này không thật sự "bay". Khi ném chúng đi, quỹ đạo của chúng sẽ có dạng vòng cung giống như khi ta ném một quả bóng hay bất cứ vật gì khác:
Paper Airplane - dart.png
Trong suốt quá trình chúng ở trên không trung có rất ít hoặc gần như không có sự hiện diện của lực nâng từ dưới lên như một chiếc máy bay thông thường. Chúng "bay" lên chủ yếu là nhờ lực ném ban đầu.
Và điều này khiến cho nhiều người mê máy bay giấy, kể cả bản thân mình thấy việc gọi chúng là "máy bay" có gì đó sai sai...

Với một chiếc máy bay giấy khi bay thì ngoài lực đẩy ban đầu chúng còn được nhận thêm lực nâng đáng kể nhờ đôi cánh rộng. Quỹ đạo bay của chúng theo phương thẳng đứng thường là những đường cong võng xuống như sau:
Paper Airplane - glider.png
Khi không có tác động của lực đẩy từ tay, chúng vẫn có thể lướt đi một quãng dài nhờ lực nâng, và những máy bay dạng này được gọi là máy bay dạng tàu lượn (glider).

Với niềm tin mãnh liệt vào những máy bay kiểu tàu lượn, John Collins đã cố gắng lập kỷ lục thế giới máy bay giấy xa nhất bằng một mẫu máy bay dạng này, và ông đã thành công. Ưu điểm lớn của những chiếc máy bay biết lượn là chúng có thể tự bay thêm một quãng đường dài sau khi lực đẩy của tay bị triệt tiêu hết bởi lực cản của không khí.

Đây là ảnh so sánh hai loại máy bay từng được dùng cho kỷ lục thế giới được trích ra từ video thuyết trình của John Collins:
Distance.JPG

Sau này một nhóm khác cũng sử dụng thiết kế khá giống John để lập kỷ lục thế giới mới, củng cố thêm niềm tin vào những chiếc tàu lượn.
Tuy nhiên đến cuối năm 2022 niềm tin đó bắt đầu lung lay khi một chiếc máy bay dạng phi tiêu lập kỷ lục thế giới mới xa hơn kỷ lục cũ tới 11 mét. Rõ ràng là máy bay dạng phi tiêu có thể chịu được lực ném cực lớn, bay thẳng hơn và lực cản của không khí lên chúng cũng nhỏ hơn.

Nhưng bản thân mình vẫn có niềm tin vào những chiếc máy bay dạng lượn và hy vọng một ngày nào đó một chiếc máy bay "thực sự bay được" có thể lập nên kỷ luc thế giới mới.

* Nếu chi li về mặt từ ngữ thì việc coi máy bay như của John Collins là tàu lượn chưa thực sự đúng. Một chiếc máy bay được gọi là tàu lượn phải có đôi cánh rất dài và lớn, ví dụ như những chiếc máy bay lập kỷ lục bay lâu. Máy bay của John thực ra là một kiểu "lai" giữa phi tiêu và tàu lượn thì đúng hơn.
 
Sửa lần cuối:

Scorpion

Bọ cạp
Thành viên VOG
Những lần phá kỷ lục thất bại

Sau khi đạt được kỷ lục thế giới, nhiều người không hề ngủ quên trên chiến thắng mà vẫn cố gắng hướng tới những kết quả cao hơn nữa. Có lúc họ thành công, nhưng cũng có không ít lần thất bại. Dưới đây là một số trường hợp như vậy:

Minh từng đăng video sự kiện của John Collins ở trên, bây giờ đăng lại ở đây cho tiện theo dõi:
Vào ngày 20/7/2018, John Collins và Joe Ayoob đã nỗ lực phá kỷ lục Guinness bay xa nhất của họ lập năm 2012. Sự kiện được ban tổ chức đầu tư hoành tráng, thực hiện live stream toàn bộ quá trình hơn 2 tiếng đồng hồ John và Joe phi máy bay. Tuy nhiên kết quả không như mong đợi, hai người đã không thể lập kỷ lục mới. Nhưng họ cũng không quá buồn vì họ vẫn là người giữ kỷ lục thế giới vào thời điểm đó, và kết quả của những lần phóng hôm đó cũng rất xa.

Takuo Toda sau khi lập kỷ lục bay lâu nhất 27.9 giây vào tháng 4/2009 thì cuối năm đó ông đã thực hiện phá kỷ lục một lần nữa, nhưng lần này ông không thể phá kỷ lục của chính mình do độ ẩm không khí hơi cao.

Sau khi lập kỷ lục mới 29.2 giây năm 2010 thì đến năm 2019 Toda tiếp tục thực hiện một lần phá kỷ lục nữa nhưng cũng không thành.

Thế mới thấy những kỷ lục gia cũng có nhiều lần thất bại, và để đạt kỷ lục thì có khi cần cả những yếu tố thiên thời địa lợi và cả may mắn nữa.
 
Sửa lần cuối:

Scorpion

Bọ cạp
Thành viên VOG
Kỷ lục Guinness cho phép sử dụng băng dính.

Có một điều luật của kỷ lục Guinness mà mình không thích lắm, đó là họ cho phép sử dụng một dải băng dính kích thước tối đa 2.5x3cm.

Những kỷ lục gia đã tận dụng tối đa điều này để cố định máy bay giấy của họ, giúp đường bay ổn định hơn.
Bạn có thể xem cách John Collins cắt mẩu băng dính ra thành nhiều mảnh nhỏ rộng 2mm để cố định tất cả những mép giấy chồng lên nhau như thế này (tổng các mảnh nhỏ ghép lại vẫn bằng 2.5x3cm):

Việc dùng băng dính giúp cho máy bay chắc chắn hơn rất nhiều. Do vậy gần như tất cả những máy bay lập kỷ lục thế giới đều được cố định bằng băng dính. Ken Blackburn cũng sử dụng băng dính cho máy bay bay được 27.6 giây của ông.

Duy chỉ có Takuo Toda, người hiện giữ kỷ lục máy bay lâu nhất 29.2 giây thì không hề dùng băng dính. Ông nói rằng ông muốn tuân thủ các quy tắc của origami truyền thống hơn, và điều này thật sự đáng quý.

Không biết trong tương lai có ai khác có thể lập kỷ lục máy bay xa nhất mà không cần băng dính không? Điều này cực kỳ khó, nếu không muốn nói là không thể...
 
Sửa lần cuối:
Top Bottom