Tưởng niệm Yoshio Tsuda (1954-2024)

Scorpion

Bọ cạp
Thành viên VOG
Ông Yoshio Tsuda (sinh năm 1954), cố vấn của Hội Origami Học thuật Nhật Bản và là một nghệ sĩ origami nổi tiếng, đã qua đời vào ngày 30/1/2024, hưởng thọ 70 tuổi.
Sau đây là bài suy niệm của ông Makoto Yamaguchi, Phó Chủ tịch Hội Origami Học thuật Nhật Bản (JOAS) về một số thành tựu của ông Yoshio Tsuda tại Hội Origami Học thuật Nhật Bản.

Xem bài viết gốc tại: https://origami.jp/tsuda/

1712030071432.png

Tiến sĩ Tsuda đã có một thời gian dài làm việc tại Viện Nghiên Cứu Bệnh Truyền Nhiễm Quốc Gia và là một chuyên gia nghiên cứu về muỗi. Mặc dù bận rộn với các hoạt động nghiên cứu nhưng ông vẫn duy trì niềm đam mê với origami và tham gia vào thế giới origami trong nhiều năm liền. Ông đã hoạt động với tư cách là ủy viên hội đồng của Hội Origami Học thuật Nhật Bản trong nhiều nhiệm kỳ, từ nhiệm kỳ 17 (2006) đến nhiệm kỳ 29 (2018) (có một thời gian gián đoạn giữa chừng). Đặc biệt là nhiệm kỳ 25 (2014), ông đã mở ra một website “Bảo tàng nghệ thuật Origami” và được xem là thành tựu sáng giá của ông trong nhiệm kỳ này. Kể từ năm 2019, đến tuổi nghỉ hưu bắt buộc đối với các ủy viên hội đồng là 65 tuổi, ông đã hỗ trợ hiệp hội với tư cách là cố vấn. Ông cũng từng là chủ tịch thường trực của Hội Origami Học thuật Nhật Bản (JOAS) trong một thời gian dài.

Tạp chí của Hội Origami Học thuật Nhật Bản - “Origami Tanteidan”, đã nhận được rất nhiều bài viết và sơ đồ hướng dẫn gấp của ông. Nhiều tác phẩm sáng tác của ông phản ánh con mắt quan sát của ông với tư cách là một nhà sinh vật học, chẳng hạn như tác phẩm "con muỗi" với tỷ lệ gần như thật khiến các chuyên gia phải ngạc nhiên, hoặc tác phẩm "thiên nga" trong hình khối ba chiều nhưng tạo cảm giác mềm mại uyển chuyển và lộng lẫy, tác phẩm "chim cú mèo" vui tươi, sinh động với hiệu ứng biến dạng, hoặc tác phẩm "ốc biển" là sự kết hợp giữa vẻ đẹp thuần khiết và cấu trúc đơn giản, tác phẩm "sâu đá " dễ thương với nếp gấp co dãn. Tác phẩm “Sâu vua Ohmu” sinh ra từ ứng dụng cách gấp của “sâu đá“ và thu hút rất nhiều sự quan tâm mà tôi nghĩ rằng ai cũng muốn biết cách gấp của tác phẩm này khi xem những hình mẫu.

Đặc biệt, tác phẩm "Đôi guốc" là tác phẩm yêu thích nhất của tôi. Có thể gọi đó là một kiệt tác. Tôi đã bắt gặp tác phẩm này khi tôi lần đầu tiên gia nhập Hội Origami Học thuật Nhật Bản vào nửa đầu năm 1970, và tôi đã sững sờ bởi mẫu hoàn thành được mô tả hiệu quả và chính xác. Cho đến bây giờ tôi cảm thấy tự hào khi được nhận trọng trách mang tác phẩm này giới thiệu với toàn thế giới. Những tác phẩm của ông Yoshio Tsuda về cơ bản có cấu trúc đơn giản, nhưng các họa tiết được khắc họa một cách chính xác, tinh vi và rất thu hút như thể phản ánh tính cách quý phái thanh lịch của tác giả.

Yohiso Tsuda đã viết rất nhiều sách nghiên cứu về muỗi, tuy nhiên quyển sách " Thực hiện gấp giấy sáng tạo" (nhà xuất bản Otsuki, 1985) là cuốn sách origami duy nhất của ông còn lưu lại. Cuốn sách này là một đột phá vào thời điểm đó, nó hướng dẫn cách đọc sơ đồ hướng dẫn gấp từng bước và cách đọc sơ đồ nâng cao với những ví dụ cụ thể và cách sáng tạo origami cho người mới bắt đầu. Mặc dù ông đã viết nhiều về các tác phẩm sáng tạo origami khác, nhưng thật đáng tiếc ông không phát hành được quyển sách nào lưu lại các tác phẩm trong bộ sưu tập cá nhân của đời mình để giới thiệu ra toàn thế giới.

Ba năm trước, tôi nghe nói ông ấy bị ung thư nhưng tôi không dám hỏi thêm về chi tiết, nhưng vì không nghe thấy bất kỳ tin xấu nào nên tôi đã tin rằng ông ấy đang trên đường hồi phục. Tôi đã hứa sẽ xuất bản bộ sưu tập của ông dưới dạng điện tử và song song đó thực hiện nhiều dự án khác ngoài những công việc hiện tại của mình, nhưng tôi vô cùng hối hận vì lẽ ra tôi nên khẩn trương hơn trong việc hỏi thăm sức khỏe của ông.
Tôi đã gấp rút liên hệ email để in sơ đồ hướng dẫn gấp cho tác phẩm “Fall in love” cho Tạp chí “Origami Tanteidan” số thứ 200 (xuất bản vào tháng 7/2023) nhưng đáng tiếc đó lại là lần liên lạc cuối cùng. Ông ấy trẻ hơn tôi rất nhiều, và tôi đã kỳ vọng ông ấy sẽ tiếp tục hỗ trợ giới origami với tư cách là một vị tiền bối đi trước. Thật sự đáng tiếc. Xin thành kính phân ưu.

Tháng Hai, 2024
Phó Chủ tịch Hội Origami Học thuật Nhật Bản Makoto Yamaguchi.

Các bài viết của ông Yoshio Tsuda và các bài viết liên quan được xuất bản trong "Origami Tanteidan Magazine":
• Số 80 - Sơ đồ nếp gấp - Con muỗi.
• Số 88 - Sơ đồ hướng dẫn gấp từng bước - Thuyền máy, sâu vua (Ohmu).
• Số 98 – Sơ đồ hướng dẫn gấp từng bước - Chim cú
• Số 102 – Bài viết mục “Nếp gấp” (Orisuzi) - "Chuyển động và chức năng của chuyển động trong cấu trúc mẫu".
• Số 107 – Sách trên kệ thư viện JOAS -"Làm origami sáng tạo" - Bình luận của tác giả Hideo Komatsu
• Số 114 – Sách trên kệ thư viện JOAS " Origami – 8 vấn đề đầu tiên"
• Số 115 – Sơ đồ hướng dẫn gấp từng bước - Ngỗng trời
• Số 121 – Sơ đồ hướng dẫn gấp từng bước - Quạ
• Số 135 – Sơ đồ hướng dẫn gấp từng bước - Rầy cây (Treehopper) 2
• Số 145 – Tiểu sử của tác giả gấp giấy - "Yoshio Tsuda"
• Số 146 – Góc origami lượm lặt "Đôi chim cú"
• Số 147 - Cận cảnh - "Khai trương trang web Bảo tàng Nghệ thuật Origami"
• Số 184 – Sách trên kệ thư viện JOAS - "Origami động vật theo phong cách mới"
• Số 193 - Góc origami lượm lặt - "Kẹp giấy, kẹp quần áo, thánh giá"
• Số 194 – Sơ đồ nếp gấp - Kiến sư tử
• Số 200 - Góc origami lượm lặt – Mẫu “ Fall in love”

Các sơ đồ hướng dẫn gấp từng bước của ông Yoshio Tsuda được xuất bản trong sách "Origami Tanteidan Convention"
• Số 10 - Thuyền máy
• Số 11 - Bướm đốm biến thể
• Số 12 - Ghế gấp
• Số 14 - Cáo đang chơi đùa
• Số 15 - Đầu bò
• Số 16 - Mèo rừng
• Số 17 – Chim cú 2
• Số 18 – Chim bói cá.
• Số 20 - Thằn lằn đưa tin.
• Số 21 - Cú lông
• Số 22 - Giá để giấy hình chim cú.
• Số 23 – Chim cú 3 – dạng hình khối (với chân có 4 ngón)
• Số 24 - Chim chìa vôi.
• Số 25 - Kẹp giấy.
• Số 27 - Armadillo cuộn tròn
• Số 28 – Ruồi xanh

Hình tham khảo bìa cuốn sách “Làm gấp giấy sáng tạo” và một số sáng tác của ông Yoshio Tsuda đã được đề cập trong bài viết: muỗi, thiên nga, sâu đá, sâu vua, biểu tượng tình yêu, đôi guốc,

TsudaMemorial.jpg


Bài viết của ông Makato Yamaguchi.
Dịch bởi: Nguyễn Thị Phong Nhã – Nguyễn Tú Tuấn.
Ảnh lấy từ bài viết gốc trên trang của Hội Origami Học thuật Nhật Bản (Japan Origami Academy Society - JOAS)
 
Sửa lần cuối:

Scorpion

Bọ cạp
Thành viên VOG
Nhân dịp nhận được bài dịch của anh Tuấn, mình hy vọng có thể đăng bài suy niệm này trong số tạp chí Nếp Gấp tiếp theo của VOG.

Nếu bạn nào đã từng gấp mẫu của ông có thể đăng ảnh trong chủ đề này. Mình sẽ tổng hợp ảnh của các bạn cùng với bài dịch ở trên cho vào tạp chí. Và đương nhiên những bạn có ảnh mẫu đóng góp sẽ được đọc phiên bản đầy đủ của số tạp chí đó.
 
Sửa lần cuối:
Top Bottom