Crease Pattern (CP)

Scorpion

Bọ cạp
Thành viên VOG
Crease Pattern (viết tắt: CP, tạm dịch: sơ đồ nếp gấp)
Là sơ đồ mạng lưới nếp gấp lồi/lõm trên tờ giấy khi bạn mở bung một mẫu Origami.

Ví dụ CP của mẫu Cá mập trắng - Tác giả: Nguyễn Hùng Cường
Great_White_Shark_CP_2018_01.jpg

CP là một cách để tác giả diễn giải cấu trúc tác phẩm của họ - có thể giúp chính bản thân họ (hoặc người khác) tái tạo lại tác phẩm mà không cần đến sơ đồ hướng dẫn từng bước (Diagram).
Trong nhiều trường hợp, CP được tác giả trưng bày như một tác phẩm độc lập, hoặc ứng dụng họa tiết trên CP lên những sản phẩm thương mại...

Đối với người chơi origami, nghiên cứu CP là một cách để rèn luyện khả năng tư duy, phát triển kỹ năng thiết kế mẫu gấp của bản thân.
 
Sửa lần cuối:

Scorpion

Bọ cạp
Thành viên VOG
Đây là một bài viết hữu ích nữa được khôi phục từ diễn đàn cũ của VOG:

FOLDING FROM CREASE PATTERNS / Kinh nghiệm gấp CP
Tác giả: Gilad Naor
Người dịch: Hiba
Link bài gốc (cập nhật lần cuối năm 2004): https://blog.giladnaor.com/2008/08/folding-from-crease-patterns.html

Vâng, có một thực tế là rất ít tài liệu viết về việc gấp giấy từ crease pattern (CP). Và vì đây là một đề tài rất hấp dẫn nên tôi đã kết luận rằng phải làm một điều gì đó trong lãnh vực này. Tôi đã chờ, và đợi, chờ và tình hình vẫn không khả quan hơn, không có một danh nhân (pro) nào trong Origami viết về đề tài này. Vì vậy tôi đã quyết định viết về những kinh nghiệm của mình trong lãnh vực này gần đây.

Một điều rất quan trọng là đây không phải là một bài thuyết giảng viết bởi một Origami master, mà chỉ là một kẻ đam mê origami (mania) bình thường đang vật lộn với việc gấp từ CP. Có thể bạn sẽ phát hiện những điều không đúng trong bài viết này và nếu như có ai đó có ý tưởng tốt hơn thì tôi rất mong muốn được tiếp thu trong những phiên bản tới của tài liệu này.


1. CP là gì?

Tôi đã từng nghe một câu chuyện về một người được biết đến Origami như sau: một người bạn của anh ta đưa cho một tờ giấy và hỏi rằng, anh ta nhìn thấy cái gì. Và dĩ nhiên, anh ta hơi bối rối một chút và trả lời rằng mình nhìn thấy một tờ giấy. Và người bạn của anh ta bảo rằng anh ta đã sai vì thực ra đó là một con vịt. Và anh bạn gấp tờ giấy, dĩ nhiên đó là một con vịt.

Một trong những điều tôi thích nhất về Origami là nó biểu hiện vạn vật chỉ với một tờ giấy vuông đơn giản, từ con hạc truyền thống cho đến những con côn trùng super complex. Trong Origami, chúng ta không sáng tạo ra những cái mới, mà là bắt chước những hình dạng đã có sẵn trong tự nhiên, và chúng ta có thể trả lại chúng với hình dạng ban đầu là một tờ giấy. Và cũng giống như những lý thuyết vĩ đại khác, Origami cũng bị vướng bởi một điều gọi là thực tế. Thực tế là khi mở một mẫu Origami ra thì chúng ta sẽ không có lại được tờ giấy hình vuông như ban đầu mà là một tờ giấy nhăn nheo với những nếp gấp (Crease – Orime - Orisuji) và tổng thể những nếp gấp ấy trên bề mặt giấy đựoc gọi là Crease Pattern (CP) (Ori Tenkaizu). Và mỗi một mẫu Origami lại có một CP rất riêng biệt và độc nhất.

Một trong những cách chia sẻ những mẫu sáng tác mới là phổ biến CP của mẫu. Nếu bạn có trong tay một CP thì bạn có thể tự mình gấp lại những nếp gấp và tạo ra hình dáng cuối cùng. Tuy nhiên việc này không phải là một điều đơn giản. Việc này ngốn rất nhiều thì giờ của bạn và có thể là một công việc nhàm chán, rắc rối và hẳn là sẽ không có nhiều người thực hiện. Một phương cách khá phổ biến hơn để truyền đạt hướng dẫn gấp cho một mẫu Origami là vẽ diagram (Orizu). Diagrams biểu hiện chính xác những bước nào cần được làm theo thứ tự nhất định để tạo ra một hình mẫu. Nói cách khác, diagram chứa cả chiều thứ tư của không gian, đó là thời gian. Nó cho ta hay những nếp nào phải được tạo ra trước những nếp nào.

Và sau đây là những lợi ích và phản lợi ích của 2 phương pháp, Diagram và CP mà tôi thống kê được:

** Lợi ích của Diagrams:
+ Rất dễ làm theo đối với người gấp.

** Điểm bất lợi của nó:
+ Nó chiếm nhiều thời gian của người vẽ.
+ Đây là một công việc không mấy hứng thú.
+ Có nhiều những nếp gấp thừa làm ảnh hưởng đến bề ngoài của hình mẫu hoàn thành.
+ Khó mà hiểu được cấu trúc của mẫu khi bạn gấp từ diagram.

---

** Lợi ích của CP :
+ Để vẽ một CP đơn giản hơn vẽ diagram rất nhiều.
+ Hình mẫu cuối cùng sẽ trơn tru hơn vì không có những nếp gấp phụ và ít sai sót hơn trong khâu gấp.
+ Sau khi "chiến" xong CP, bạn sẽ ít tốn thời gian hơn trong những lần gấp sau.
+ Dễ nhớ cách gấp và học thuộc lòng bởi bạn đã "hiểu" được cấu trúc của mẫu.

** Những điểm bất lợi:
+ Bạn cần nhiều thời gian để vật lộn với cái CP.
+ Không phải cái CP nào cũng bao gồm đầy đủ những thông tin về mẫu.

Và, bây giờ là lúc Learn to fold the CP !!


2. Độ khó của CP

Nguời ta khuyên rằng trước khi thực sự bắt tay vào gấp từ CP, bạn cần nắm một vài buớc để tiên đoán nó. Những tác giả khác nhau sẽ vẽ CP khác nhau và một vài thứ sẽ được lược bỏ trong vài trường hợp. Độ khó của CP hầu như là do việc số lượng thông tin không đầy đủ mà tác giả cung cấp. Và bây giờ tôi sẽ liệt kê những khó khăn này, nhưng bạn phải hiểu rằng không phải luôn luôn, mà là tùy vào từng trường hợp.

  • Một cái Cp chỉ biểu hiện những nếp gấp chính để tạo nên hình cơ bản
Nếu bạn nhìn qua một diagram của một mẫu trung bình trở lên hẳn bạn sẽ thấy rằng một vài bước đầu tiên là xác định những điểm cố định trong hình vuông và những bước tiếp sau sẽ sử dụng những điểm quy chuẩn này. Và thường thì những bước đầu tiên này luôn bao gồm những đoạn text bảo rằng không nên tạo nếp gấp quá sắc. Đơn giản chỉ là vì những điểm này chỉ để làm quy chuẩn cho những bước sau chứ không phải là thành phần của CP. Vì vậy trong CP sẽ không biểu hiện những điểm quy chuẩn ban đầu này.

  • Một cái CP có thể sẽ không biểu hiện phương hướng của nếp gấp
Mọi nếp gấp đều quy về hai loại : nếp lồi (Mountain fold, Yama Ori) và nếp lõm (Valley, Tani Ori). Rất nhiều CP biểu hiện 2 loại nếp gấp này với cùng 1 dạng bởi vì sẽ rất rối rắm nếu biểu hiện 2 loại nếp gấp này với đường đứt đoạn và đường chấm dừng. Sẽ dễ hiểu hơn nếu biển hiện cả 2 loại nếp gấp này với cùng 1 dạng đường thẳng.

  • Một cái CP không biểu hiện được thứ tự của các nếp gấp đuợc tạo ra
Như đã nói trên, ưu điểm lớn nhất của diagram so với CP chính là nó biểu hiện chiều thứ tư của không gian, thời gian. Tức là nó cho biết những nếp nào phải được tạo ra trước những nếp nào. Việc biết phương hướng của nếp gấp (lồi, lõm) không quan trọng bằng việc biết thuận tự thời gian của chúng, bởi vì có những nếp gấp phải được tạo ra trước những nếp khác.

  • Một cái CP không biểu hiện toàn bộ tác phẩm, mà chỉ biểu hiện hình cơ bản của tác phẩm.
Để không phải dài dòng về việc này, tôi chỉ xin nói một cách đơn giản rằng một hình cơ bản (Base – Kihonkei) là một "mẫu" Origami có đầy đủ các lớp giấy và góc cạnh để tạo ra một hình mẫu hoàn chỉnh. Một hình cơ bản thường là hoàn toàn không giống hoặc rất ít giống hình mẫu hoàn thành mặc dù nó có đầy đủ các yếu tố cấu tạo nên hình hoàn chỉnh. Ví dụ như hình cơ bản của mẫu con hạc truyền thống là một hình cơ bản rất phổ biến và được gọi là hình cơ bản chim (Bird base - Tsuru no Kihonkei) và vì vậy CP của mẫu con hạc chính là CP của mẫu cơ bản chim. Nếu như bạn gấp con hạc từ CP thì kết quả bạn thu được chỉ là hình cơ bản chim. Để hoàn tất con hạc thì chúng ta cần thêm những dữ kiện khác không có trong CP. Và những dữ kiện này đến từ việc quan sát hình mẫu hoàn chỉnh của con hạc. Với một bức ảnh của mẫu hoàn chỉnh, chúng ta có thể biến hình cơ bản chim vừa gấp thành hình hoàn chỉnh.

Lý do vì sao CP chỉ chứa những nếp gấp cơ bản tạo nên hình cơ bản chứ không phải hình hoàn chỉnh là vì buớc chỉnh hình từ cơ bản sang hoàn chỉnh bao gồm quá nhiều bước và vì vậy sẽ không nhìn thấy được gì nếu như biểu hiện hết những nếp gấp này. Nhưng với những trường hợp Super đơn giản như con hạc truyền thống thì việc biểu hiện hết tất cả đường nét là điều cần thiết. Nhưng với những trường hợp đơn giản như thế này thì việc vẽ diagram sẽ có lý hơn………Và bây giờ là lúc nói chuyện phải đối phó làm sao với CP.


3. Bước tiên đoán

Tôi sẽ chia phần này thành 2 mục, thứ nhất là đề cập đến cách vuợt qua những cái khó khăn của CP như đã nêu trên và thứ 2 là một số quy tắc chung theo kinh nghiệm của tôi nhưng nên nhớ là nó chỉ là gợi ý chứ không thực sự là một bảng hướng dẫn khắc phục khó khăn trong bất kỳ trường hợp cụ thể nào.

  • Một cái Cp chỉ biểu hiện những nếp gấp chính để tạo nên hình cơ bản
- Có nhiều CP cho bạn biết thêm thông tin về điểm bắt đầu (Refereence point), một ví dụ điển hình là CP Ancient Dragon của tác giả Kamiya Satoshi. Trong những trường hợp này bạn không cần làm gì khác.

- Trong nhiều trường hợp, cạnh hình vuông sẽ biểu hiện số liệu liên quan đến những phần khác nhau của CP. Chẳng hạn như nếu có 2 phần chính trên cạnh hình vuông và được đánh số 2, 3 thì bạn nên hiểu rằng cạnh hình vuông được chia làm 5 đơn vị và phần thứ nhất có độ dài là 2 đơn vị, phần thứ hai có độ dài 3 đơn vị. Biết được điều này, chúng ta có thể tìm ra điểm bắt đầu bằng cách gấp (chẳng hạn như chia cạnh hình vuông làm 5 phần) hoặc một cách ít “trong sạch'' hơn là dùng thước và máy tính.

- Và phần lớn trường hợp là chúng ta không được biết thông tin gì cả, và như vậy cách tốt nhất là thử - sai - rút kinh nghiệm. Hãy bắt đầu, hãy chia góc, hãy nối các đoạn thẳng với nhau cho đến khi bạn tìm đuợc điểm bắt đầu. Bạn có thể bắt đầu với một cái CP đã in ra và gấp với nó. Theo thời gian cùng với sự luyện tập, bạn sẽ tích lũy đựơc một kho kinh nghiệm để tìm được điểm bắt đầu. Một cách khác là sử dụng chương trình ứng dụng Reference Finder của tiến sĩ Robert J. Lang. Bạn cần tính toán tọa độ của điểm và nhập vào, máy sẽ cho bạn biết phải gấp làm sao.

- Và cách cuối cùng, cách ít “trong sạch'' nhất là in CP ra và gấp trực tiếp từ đó. Với cách này bạn không phải vật lộn với nhiều khâu nhức đầu nhưng bạn sẽ không biết phải bắt đầu làm sao với một mẫu giấy bất kỳ.

Và sau khi tìm đựơc điểm bắt đầu, chúng ta cần đánh dấu tất cả nếp gấp trên tờ giấy.Và như vậy tờ giấy sẽ có ít nhất những đưòng nét cần thiết như biểu hiện trên CP. Đừng ngại nếu phải tạo thêm những đường gấp không có trong CP vì như đã nói trên, CP không chứa đựng toàn bộ nếp gấp. Nếu sợ nhầm lẫn, bạn có thể đánh dấu những nếp chính bằng bút chì, ít ra cũng là trong lần thử đầu tiên.

  • CP không biểu hiện phương hướng của nếp gấp
Vài CP biểu hiện nếp gấp ở cả 2 hướng: lồi và lõm, nhưng hầu hết các CP khác là không. Ở đây tôi sẽ không bàn đến việc xác định nếp nào là lồi nếp nào là lõm bởi 2 lý do sau: Thứ nhất là trang chủ của Ben Ball đã giải thích rất đầy đủ về khía cạnh này, và lý do thứ hai thì việc xác định lồi lõm không thực sự quan trọng lắm (đúng đúng). Bởi vì trong hầu hết trường hợp khi collapse mẫu, một nếp gấp đuợc biến đổi phương hướng rất nhiều lần từ lồi sang lõm và ngược lại. Vì vậy việc nó nằm ở hướng nào vào lúc cuối thực sự không quan trọng. Lời khuyên của tôi là khi tạo nếp gấp, bạn nên tạo nó ở cả 2 hướng: lồi và lõm (đúng đúng) và với thời gian, kinh nghiệm của bạn trong việc này sẽ dần nhiều thêm.

  • CP không biểu hiện được thứ tự của các nếp gấp
Sau khi đã tạo tất cả nếp gấp ở 2 huớng lồi và lõm thì đây là lúc bắt đầu chiến !! Thực sự đến lúc này bạn vẫn chưa “phá giải'' hết CP mà chỉ mới bắt đầu công đoạn cuối cùng của nó. Và có lẽ đây là khâu khó khăn nhất. Thực sự tôi không thể chỉ cho bạn phải làm cụ thể thế nào ở công đoạn này nhưng tôi sẽ đưa ra vài lời khuyên:

1. Bạn phải bắt đầu. Nếu không thử thì sẽ không có thành công. Đừng ngại khó. Hãy bắt đầu và mọi việc sẽ dễ dàng hơn khi kinh nghiệm của bạn được tích luỹ với thời gian. Nhưng hãy bắt đầu, đừng ngại (đúng đúng )

2. Và cứ tiếp tục. Có thế bạn sẽ không thành công ở lần đầu tiên, lần thứ hai, thứ ba hay thứ n (đúng đúng). Nhưng đừng bỏ cuộc, cứ tiếp tục. Đối với tôi thì vừa xem vô tuyến vừa chiến CP luôn đem lại hiệu quả cao.

3. Và cuối cùng nếu như không thành công với toàn thể CP thì bạn nên chiến đấu cục bộ với nó. Nghĩa là cắt rời 1 bộ phận nào đó bạn cảm thấy khó nhất và gấp nó. Sau khi đã thành công thì quay lại với tổng thể CP (đúng đúng)

Và đây có lẽ là điều tồi tệ nhất bởi bạn hoàn toàn không thể biết phải làm gì. Nhưng tôi khuyên là đừng bỏ cuộc. Nếu “bí'' trong vài tuần thì hãy hỏi ý kiến các vị tiền bối trong O-List hay một diễn đàn Origami nào đó.

  • CP không biểu hiện toàn bộ tác phẩm, mà chỉ biểu hiện hình cơ bản của tác phẩm
Như đã nói trước, bạn nên có một bức ảnh của hình mẫu hoàn chỉnh. Quan sát và phán đoán xem phần nào của CP trở thành bộ phận nào của mẫu hoàn chỉnh. Nhiều CP cho bạn biết những thông tin này, nhưng phần lớn là không và thực là khó hình dung trong những trường hợp này. Hãy quan sát hình mẫu và cái Base bạn vừa hoàn thành và phán đoán. Công đoạn này có thể thậm dị hay thậm nan tuỳ tính chất từng CP.
(Ý kiến dịch giả : Phần lớn CP của tác giả Komatsu Hideo có hình cơ bản gần giống hình hoàn thành và không phải chỉnh sửa chi nhiều, người sơ tâm nên tập chiến với CP của tác giả này)


Những mẹo cơ bản

1. Đừng ngại khó, hãy bắt đầu. Tôi đã từng sợ hãi việc chiến CP trong thời gian dài bởi vì chẳng có một hướng dẫn nào trong việc này. Và nếu như có hàng ngàn bài viết thì có lẽ tôi vẫn cứ sợ.... Chân lý là : bạn chỉ thực sự học được những điều mới mẻ qua việc thực hành chúng được và lắng nghe những bậc tiền bối là cách để nới rộng kiến thức, nhưng luôn có một khoảng cách xa giữa kinh nghiệm của bản thân với những cái học được từ người khác. Một đứa trẻ sẽ không hiểu lửa nóng như thế nào nếu nó không đưa tay vào lửa mặc dù đã được chỉ bảo : lửa nóng.
Đối với việc chiến CP cũng vậy. Cách duy nhất để bạn thấu hiểu đựơc là lăn xả vào trận địa địch và chiến đấu !!!

2. Nên sử dụng loại giấy phù hợp. Kami (giấy Nhật) hay giấy in đều tốt. Sau khi đã thực sự nắm vững CP thì bạn có thể sử dụng loại giấy khác để đạt hiệu quả cao hơn.

3 . Tạo tất cả nếp gấp trên CP có lẽ là công việc nhàm chán nhất trong Origami và trong cuộc sống. Và khi bạn cảm thấy chán thì thời gian trôi qua chậm chạp hơn và cuộc sống cũng thế, nghĩa là bạn sống “lâu'' hơn lúc bình thường. Vì vậy hãy biết ơn điều này.

4. Đừng ngại khi phải tạo thêm những nếp không hề có trong CP. Tôi thường đánh dấu những đường thật trong CP để tránh nhầm lẫn.

5. Nên phân tích CP thành những bộ phận nhỏ. Thường thì CP đựơc chia theo 2 cách sau: hoặc là các bộ phận nhỏ liên kết lại và cấu thành bộ phận lớn hoặc là chúng nằm trong nhau. Đối với trường hợp 1, các bộ phận thường nằm trên các phần khác nhau của mẫu hoàn thành. Và trường hợp thứ 2 thường là Blintzed Base ( hình cơ bản được quay 45 độ để có thêm phần giấy thừa ở 4 góc), bạn nên bắt đầu từ bên trong và chuyển ra bên ngoài CP.

6. Nên cố gắng nhận ra những nếp đối xứng, chúng thường nằm đè lên nhau trong hình hoàn thành.

7. Hãy bắt đầu và tiếp tục. Bạn chiến càng nhiều thì sẽ càng dễ dàng hơn cho bạn. Mọi cuộc hành trình dài vạn dặm đều bắt đầu từ những buớc đi đầu tiên!!!


Để hiểu hơn về CP, đặc biệt là CP boxpleating và sáng tác, các bạn có thể đọc thêm trên blog của Arijan Abrashi và Arben Abrashi:

 
Sửa lần cuối:

Scorpion

Bọ cạp
Thành viên VOG
Để biết CP mình vẽ ra có gấp được hay không thì có một số quy tắc toán học đơn giản.

Robert J.Lang đã nói trong video này (từ 2p39 đến 3p17):
https://www.ted.com/talks/robert_lang_folds_way_new_origami/up-next?language=en

Mình xin dịch tóm tắt lại các quy tắc chính:
  1. Các vùng đa giác trong cp có thể được tô chỉ bằng 2 màu mà không có 2 vùng nào kề nhau cùng màu.
  2. Xuất phát từ cùng một điểm, số các nếp lồi trừ số các nếp lõm = +/- 2
  3. Cũng tại một điểm, tổng các góc chẵn = tổng các góc lẻ = 180 độ
  4. Các lớp giấy chỉ có thể chồng lên nhau chứ không thể đi xuyên qua nhau.
Từ các quy tắc trên ta có thể tự kiểm tra xem hình mình vẽ đã chuẩn chưa.

Thông thường ta chỉ cần quan tâm đến quy tắc 2 và 3 là đủ cho hầu hết CP.
Xem hình minh hoạ dưới đây:

Screenshot_2020-02-07-16-55-18.jpg



Screenshot_2020-02-07-16-55-48.jpg
 

Scorpion

Bọ cạp
Thành viên VOG
Một số công cụ vẽ CP dành riêng cho dân origami:

Oripa: do Mitani Jun phát triển. Là một trong những công cụ phổ biến nhất để vẽ CP và khá dễ dùng, có thể tự động gấp theo các nét bạn vẽ và đưa ra kết quả. Nếu mới tìm hiểu về Cp bạn có thể bắt đầu với Oripa.
Download tại:

Orihime: do Meguro Toshiyuki phát triển, có gần như tất cả các chức năng của Oripa và còn thêm nhiều chức năng khác giúp vẽ CP nhanh hơn.
Download tại trang của tác giả:
Link download trực tiếp:
Hướng dẫn sử dụng:


Ngoài ra có 1 phiên bản khác của orihime tên là Oriedita, do một nhóm khác phát triển từ orihime với nhiều chức năng hơn:
Hướng dẫn sử dụng Oriedita:
 
Sửa lần cuối:
Top Bottom